Chu kì kinh tế trong cuộc sống “zero to hero, back to zero” của Tèo
Tèo xuất thân từ một gia đình không thể bình thường hơn, gia đình nhà Tèo là một gia đình có truyền thống với ba đời làm công ăn lương, sống trong một căn nhà nhỏ tại khu tập thể. Tới đời Tèo, với kiến thức bổ ích có được từ thời đại học giúp Tèo có một công việc ổn định với mức lương 15 triệu đồng/tháng, dòng tiền vừa đủ để ăn tiêu tới cuối tháng và chuẩn bị vòng quay cho một tháng lao động mới.
Cuộc sống của Tèo cứ thế ổn định, cho tới một ngày người bạn thời nối khố của Tèo trong cuộc họp lớp đi chiếc xe Porsche mà bốn đời trả góp nhà Tèo cũng không mua được. Trong suốt buổi họp lớp, nhờ tửu lượng hơn người mà Tèo cũng được người bạn nối khố nói cho bí kíp làm giàu đó là kinh doanh và đầu tư.
Cùng lúc đó, thời sự đưa tin nhà nước ưu đãi vay vốn cho những công ty khởi nghiệp, giải ngân nhanh với lãi suất thấp. Tèo biết đây là cơ hội của mình để có Porsche nên nhanh chóng lập kế hoạch để xây dựng công ty riêng nơi mà Tèo sẽ “dừng làm thuê để làm chủ”.
Chỉ sau 2 năm, doanh nghiệp của Tèo đã có 100 nhân viên, Tèo cùng gia đình đã chuyển đến một căn nhà vườn rộng rãi tại trung tâm thành phố. Nhận thấy công ty của mình đã ổn, Tèo quyết định vay thêm vốn để mở rộng kinh doanh với hy vọng kiếm thêm tiền. Đồng thời lúc này Tèo nghiên cứu và có cho mình được vài mã cổ phiếu tốt cùng với một mảnh đất đẹp.
Chỉ trong 12 tháng, việc đầu tư đã sinh lời nhanh chóng, công việc kinh doanh của Tèo cũng diễn ra thuận lợi và dòng tiền ổn định cho phép Tèo duy trì để trả các khoản vay ngân hàng. Nhân viên của Tèo lúc này cũng đã có những người giàu lên, mua được nhà và xe ô tô mới.
Thừa thắng xông lên, Tèo quyết định sẽ thế chấp toàn bộ tài sản để vay thêm vốn đầu tư vào thị trường tài chính để “trở thành triệu phú tự thân”. Nhanh chóng các mã cổ phiếu lớn được Tèo mua vào, một mảnh đất lớn quy hoạch trở thành sân bay cũng được Tèo nhanh chóng nắm giữ. Cùng lúc này thời sự đưa tin lạm phát đang tăng do diễn biến chính trị và một số chuỗi cung ứng đang đứt gãy.
Trong 6 tháng tiếp theo, Tèo nhận được thông tin ngân hàng tăng lãi suất, công ty và bản thân khoản vay cá nhân của Tèo phải gánh thêm một khoản tiền kha khá mỗi tháng trong khi lượng khách hàng của Tèo bắt đầu giảm đi.
Lúc này Tèo đang hết tiền mặt, vậy là Tèo quyết định rao bán bất động sản của mình để chốt lời. Nhưng thật không may, bất động sản của Tèo không có ai mua sau nhiều lần giảm giá, tới bây giờ đã giảm xuống giá lỗ nhưng không tìm được người mua. Các cổ phiếu của Tèo nắm cũng đang lỗ vì các công ty hàng đầu gặp vấn đề về lãi vay cũng giống công ty của Tèo.
Sau 1 năm gồng gánh, Tèo bị ngân hàng thu hồi tài sản, buộc phải bán công ty để trả các khoản nợ. Lúc này, Tèo trở về tay trắng và lại tiếp tục chuỗi ngày làm thuê “ổn định” thay vì làm chủ như trước.
Chu kì kinh tế, chính sách của FED và cách người giàu trở nên giàu hơn
Câu chuyện ở phía trên của Tèo thể hiện khái quát cách mà chu kì kinh tế diễn ra trong đời sống của chúng ta. Tất nhiên khi kinh tế tăng trưởng nóng không phải ai cũng may mắn trở nên giàu có, khi kinh tế suy thoái trở về trắng tay nhưng nó sẽ tác động rất nhiều tới cuộc sống.
Chu kì kinh tế là gì?
Chu kỳ kinh tế là sự biến động của GDP nền kinh tế theo trình tự ba pha lần lượt là suy thoái, phục hồi và hưng thịnh (bùng nổ). Cũng có quan điểm coi pha phục hồi là thứ yếu nên chu kì kinh doanh chỉ gồm hai pha chính là suy thoái và hưng thịnh (hay mở rộng) – Theo Wikipedia
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyển động của chu kì kinh tế như sự thay đổi giá dầu, sự thay đổi trong tâm lý người tiêu dùng ảnh hưởng đến chi tiêu tổng thể trong nền kinh tế vĩ mô và do đó đầu tư và lợi nhuận của các công ty bị tác động. Thông thường những nguồn như vậy không thể dự đoán trước và có thể được xem như những “cú sốc” ngẫu nhiên theo mô hình chu kì, như đã xảy ra trong các cuộc khủng hoảng tài chính 2007–2008 hoặc đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chu kì kinh tế có thể được thúc đẩy hoặc trì hoãn nhờ chính sách tiền tệ và đó chính là lý do FED được ra đời
FED là gì?
Federal Reserve System – FED (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) được thành lập từ ngày 23/12/1913, quyết định ký bởi tổng thống Woodrow Wilson theo đạo luật mang tên “Federal Reserve Act” nhằm duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định và an toàn cho nước Mỹ. FED tập hợp bởi nhiều ngân hàng lớn (hay chính xác là tập hợp của giới siêu giàu) hoàn toàn độc lập và không bị phụ thuộc hay tác động bởi chính phủ Hoa Kỳ. Đây là tổ chức duy nhất trên thế giới được phép in tiền USD (đô la Mỹ).
Chính sách của FED
Chính Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được phép in tiền USD và không chịu ảnh hưởng bởi chính phủ nên FED có vai trò quan trọng trong việc hoạch định cũng như điều chỉnh chính sách tiền tệ. Việc FED thay đổi về lãi suất, lượng cung tiền sẽ tác động trực tiếp đến thị trường và nhà đầu tư.
Theo dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang có thể nâng mục tiêu đối với lãi suất lên 5,5% trong năm 2023, với lý do giảm và duy trì lạm phát ở con số 2% trong tương lai.
FOMC Dot Plot là bản tóm tắt các ước tính về đường đi của lãi suất vốn được cấp bởi 19 thành viên của Ủy ban Thị trường Mở của Cục Dự trữ Liên bang (FOMC), cho thấy kỳ vọng trung bình đối với đường đi hoặc lãi suất. Chúng ta có thể thấy kì vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh 5.0 – 5.5% trong năm 2023 sau đó FED sẽ hạ kì vọng lãi suất xuống còn 2.5 – 3.0% trong năm 2025 và giảm dần vào các năm sau đó

Có thể nói FED không muốn “tăng và giữ trong một thời gian dài” như sự lo sợ của nhiều chuyên gia kinh tế. Mặt khác nó thể hiện sự mạnh tay của FED, tạo ra một chu kỳ rõ ràng và mạnh mẽ với lãi suất ngắn hạn sau đó giảm trở lại 2,5% trong dài hạn.
Mặc dù vậy, đây chỉ là những kì vọng và FED thường xuyên có những sự thay đổi dựa trên tình hình lạm phát của nền kinh tế. Cho tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn cho rằng FED sẽ giảm lại suất dần bắt đầu từ 2024, đây cũng là thời điểm quan trọng khi mà cuộc bầu cử tổng thống mới của Mỹ được diễn ra.

Giai đoạn 2022 – nay cũng đánh dấu chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử 40 năm trở lại đây của FED. Bản tóm tắt các dự báo kinh tế (SEP) nhấn mạnh việc Fed sẵn sàng chịu đựng “nỗi đau cho một số hộ gia đình và doanh nghiệp” mà Chủ tịch Fed Powell đã nói đến trong bài phát biểu về chính sách tại Jackson Hole, Wyoming vào cuối tháng 8. Các dự báo cho thấy Fed sẵn sàng để nền kinh tế rơi vào suy thoái nhằm giảm lạm phát một cách nhanh chóng.
Cách người giàu trở nên giàu hơn
Có thể nói suy thoái kinh tế là một cách để người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn, hai thái cực sẽ được thể hiện ngày một rõ.
Khi chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến suy thoái, rất nhiều công ty phá sản, các khoản vay thế chấp sẽ bị thanh lý tài sản về ngân hàng. Điều này thể hiện rõ nhất trong giới thị trường tiền số với vụ bê bối thế kỷ của FTX. Với một lượng lớn tài sản bị thu hồi, ngân hàng buộc phải tìm phương án thanh lý nhằm thu hồi lại vốn cho vay. Đây là lúc người giàu thu mua tài sản có giá trị bị bán rẻ trên thị trường. Với nguồn lực lớn họ có thể mua lại những thứ mà Tèo đang bán tháo nhằm cứu vãn tình hình tài chính cá nhân.
Trong khi đó, Tèo – hay chính xác hơn là những người “nghèo” so với thế lực phía trên phải tìm cách duy trì cuộc sống cơ bản. Khi những người giàu đang thu mua và gia tăng tài sản thì chính những người như Tèo buộc phải bán đi tài sản tích lũy qua nhiều năm để có thể duy trì cuộc sống trong giai đoạn suy thoái.