Hãy tưởng tượng khi đang đi trên đường, chợt bạn nghĩ tới một món đồ cần mua. Ngay lập tức, một chiếc máy bán hàng tự động xuất hiện, đầy ắp những món đồ bạn đang nghĩ tới. Bạn dừng lại, chọn một món đồ từ chiếc máy, nó được ship tới nhà, rồi bạn lại tiếp tục đi.
Tiếp theo, hãy nghĩ đến một cặp vợ chồng. Người chồng đang định đi tới một cửa hàng để mua đồ nhưng người vợ lại không nhớ ra tên và loại đồ mà cô ấy cần. Một thiết bị với giao diện bộ não của cô ấy lập tức nhận ra chính xác món đồ ấy, bao gồm cả địa chỉ cửa hàng và vị trí dãy hàng được bày, rồi chuyển đường link tới thiết bị của người chồng.
Nếu bạn đã hình dung được tất cả những điều đó, vậy thì chào mừng bạn tới metaverse – những thế giới ảo song song nơi mọi người làm việc, vui chơi và giao tiếp xã hội. Bạn có thể gọi nó là đa vũ trụ ảo, thế giới song song, AR Cloud, Margicverse, Spatial internet, hoặc Live Maps, nhưng có một điều chắc chắn, rằng nó sắp xuất hiện và sẽ có ảnh hưởng lớn.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về metaverse. Theo Wikipedia, nó là một tập hợp không gian chia sẻ ảo, được tạo ra bởi sự kết hợp giữa thực tế ảo nâng cao và không gian ảo bền vững về mặt vật lý, bao gồm tất cả thế giới ảo, thực tế tăng cường (AR), và Internet. Từ “metaverse” là từ ghép bởi tiền tố “meta” (vượt ra) và “universe”; thuật ngữ này được dùng để mô tả một ý tưởng về sự cải tiến liên tục của internet trong tương lai, tạo ra một không gian ảo 3D bền vững, được chia sẻ và kết nối tới vũ trụ ảo nhận thức được.
Cho đến hiện tại, bạn mới chỉ có thể trải nghiệm internet khi bạn chủ động sử dụng, nhưng với cách kết nối, công nghệ và thiết bị mới, chúng ta hoàn toàn có thể trải nghiệm internet xung quan cuộc sống hằng ngày.
Không còn là một ý tưởng trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của Neal Stephenson, metaverse đang được xây dựng mỗi ngày. Vào năm 2019, trên tạp chí Wired, Kevin Kelly đã viết một câu chuyện trang bìa với tiêu đề “Chào mừng tới thế giới trong gương”. Trong bài viết này, Kevin mô tả cách mà AR sẽ kích hoạt nền tảng công nghệ khổng lồ tiếp theo. Về bản chất, “chúng ta đang xây dựng một bản đồ tỉ lệ 1-1 với phạm vi không thể tưởng tượng nổi. Khi được hoàn thành, thực tại vật lý của chúng ta sẽ hợp nhất với vũ trụ kỹ thuật số song song.” Nói cách khác, hãy sẵn sàng gặp bản thể ảo sinh đôi của bạn, ngôi nhà của bạn, đất nước, văn phòng của bạn, và thậm chí là cuộc sống của bạn.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi thế giới trở thành một bảng quảng cáo, những con robot có khả năng suy luận về mặt không gian, và trợ lý ảo xây dựng mối quan hệ với khách hàng? Nếu câu hỏi này làm bạn dừng lại vài giây, chắc chắn bạn cần đọc tiếp.
Ngày nay, metaverse là một không gian chia sẻ ảo nơi mọi người được hiển thị bằng hình đại diện kỹ thuật số (hãy liên tưởng tới Ready Player One). Thế giới ảo vẫn đang phát triển không ngừng và dựa trên các quyết định và hành động của xã hội bên trong đó. Cuối cùng, con người sẽ có thể bước vào metaverse một cách hoàn toàn hoặc một phần trong không gian thực của họ với sự hỗ trợ của VR.
Trong một cuộc nói chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của VRARA, Leslie Shannon – Giám đốc hệ sinh thái và xu hướng của Nokia – đã đề cập tới tầm quan trọng của metaverse, hay còn gọi là internet không gian. Trong buổi nói chuyện, cô ấy đã nói rằng “Internet không gian là đích đến mà AR và VR ngày nay đang phát triển đến. Đó là ý tưởng về việc thật sự mang các thông tin về sự vật, địa điểm hoặc sự kiện lịch sử đặt vào thế giới thật nơi mà nó phù hợp nhất.” AR và VR sẽ là cách bạn mình thấy những thông tin này.
Các chuyên gia marketing và truyền thông cần chú ý tới metaverse bởi nó là cách cửa tiếp theo của tương tác trực tuyến. Giống như cách phương tiện truyền thông đã tạo cuộc cách mạng trong tiếp thị trực tuyến, metaverse cũng vậy. Mặc dù chúng ta chưa có một metaverse được chia sẻ tại thời điểm này, nhưng đã có nhiều công ty đang nỗ lực để tạo ra nó.
Fortnite, Minecraft và Animal Crossing là những trò chơi nhưng chúng đã có cơ sở người dùng lớn, một thế giới chi tiết, và nội dung do người chơi tạo ra. Facebook cũng đang hướng tới metaverse với nền tảng xã hội thực tế ảo, Horizon (đang trong giai đoạn thử nghiệm) và Live Maps. Niantic, Magic Leap, Microsoft và nhiều hãng khác cũng đang nghiên cứu về nó.
Đại dịch COVID-19 cũng đang thay đổi văn hóa online. Các cuộc đoàn tụ gia đình trên Zoom, những đám cưới được tổ chức tại Animal Crossing, tốt nghiệp trên Minecraft và thử quần áo ảo đều đã trở thành những hoạt động phổ biến. Với việc các cuộc họp mặt online ngày càng phổ biến và các video game trực tuyến đang xây dựng những thế giới riêng, “ không thể tránh khỏi việc các thương hiệu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong metaverse.”
KINH TẾ
Các công ty sẽ cần chuyển đổi chiến lược marketing của họ từ việc mua quảng cáo online sang hiển thị trong nền kinh tế được chia sẻ ảo. Các công ty sẽ cần nghiên cứu hành vi khách hàng của họ trong metaverse. Sở thích và cách mọi người hành động trong metaverse có thể khác hoàn toàn với cách họ mua sắm, phản ứng trong cuộc sống thực. Thêm vào đó là layer của doanh nghiệp từ robot đến người mua hàng, nơi trợ lý ảo và robot tạo mối quan hệ với khách hàng để khiến mọi thứ trở nên ăn khớp.
Dù chắc chắn sẽ có quảng cáo trong metaverse, nhưng các brand thực sự có thể góp phần tạo nên metaverse. Giám đốc điều hành của game Manticore – ông Frederic Descamps – nói rằng “ ngay cả trong bộ phim “Ready, Player, One”, ai đã thực sự tạo ra metaverse trong đó? Đó sẽ là hành động của sự sáng tạo.” Các thương hiệu nên tiếp cận điều này với sự trách nhiệm và đạo đức, chứ không phải biến thế giới của chúng ta thành một quảng cáo khổng lồ. Đây là điều quan trọng hàng đầu.
VĂN HÓA
Giống như trong thế giới thực, các giám đốc marketing cần có nhận thức về văn hóa trong metaverse. Quần áo kỹ thuật số, xây dựng thế giới, hoặc marketing có thể ảnh hưởng thực tới các thương hiệu. Vào tháng 12/2019, các tùy chọn quần áo nhìn khá tương tự với những bộ đồ của những người biểu tình tại Hồng Kông đã được phát hành tại GTA 5. Trong game, “người chơi mặc đồ giống như những người Hồng Kông biểu tình xuống đường (hư cấu) ở Los Santos.” Các game thủ mặc đồ đen, đội mũ cứng màu vàng và đeo mặt nạ phòng độc đã gây náo loạn trò chơi. Thấy vậy, những gamer Trung Quốc đã hóa trang cho nhân vật của họ thành cảnh sát, và chống trả lại những game thủ vào vai những người biểu tình.
Trong metaverse, mọi người sẽ không lang thang một mình. Họ sẽ có bạn bè, những mối quan hệ (với những NPC, hologram hoặc những người khác) sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ. Các thương hiệu sẽ cần tiếp tục thích ứng với phong cách quan hệ trong lối chơi và tương tác. Khách hàng sẽ không chỉ nói chuyện với các thương hiệu như trên mạng xã hội mà còn có thể tương tác với họ ở định dạng 3D.
SHOPPING
Mua sắm online là một hoạt động tại metaverse. Nhưng sẽ không chỉ là thử quần áo ảo, người ta sẽ mua sắm cho đời sống thực. Thời trang ảo, “skin” hình đại điện, và bất động sản ảo (nhà, xe, v.v.) sẽ có giá trị riêng trong metaverse. Các công ty sẽ phải thiết kế thương hiệu cho những người khác nhau ở những giai đoạn giàu có khác nhau. Những người đầu tư nhiều vào metaverse có thể có doanh nghiệp và tài sản riêng của họ, do đó sẽ có những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp thậm chí còn không tồn tại trong thực tế.
Thời trang góp một phần quan trọng trong việc tạo ra một nhân vật, đồng thời cũng được thể hiệ qua một hình đại diện. Các nhà thời trang và nhà thiết kế ảo có cơ hội để tham gia vào một thị trường trang phục ảo hoàn toàn mới. Metaverse sẽ hiện thực hóa những điều không thể trước đây.
GIẢI TRÍ
Trong Fornite, những celeb ở thế giới thực chơi game và người chơi tự trở thành những celeb. Một nghiên cứu của Reach3 Insights vào năm 2018 đã chỉ ra rằng “ hầu hết các streamer không khác nhiều với bạn bè thật của người chơi, điều này khiến các streamer đó trở nên đáng tin cậy và có giá trị hơn nhiều với họ”. Tại metaverse, các thương hiệu sẽ không thể cài cắm các quảng cáo và các sản phẩm. Các thương hiệu sẽ phải trở nên thân thiện và dễ tiếp cận.
Người ta vào twitter của Wendy’s để kiếm cơ hội chế giễu. Tức là người ta sẽ tìm đến các thương hiệu trong metaverse khi họ cảm thấy một sự kết nối mà không cần phải có nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Và Wendy’s là một công ty đã và đang thử nghiệm metaverse.
Vào tháng 11/2018, họ đã đã thiết lập nhiệm vụ “Food Fight” tại Fortnite và phát nó trực tiếp trên Twitch. Wendy’s đã không xuất hiện trong game, nhưng họ đã yêu cầu người chơi truy cập vào nhà hàng Durr Burger trong trò chơi (một cách chế giễu đối thủ của Wendy’s). Từ 0 follower trên Twitch, Wendy’s đã có hơn 7,400 người theo dõi và gần 43,000 comments trong suốt trò chơi.
Jimmy Bennet, giám đốc cấp cao về truyền thông và xã hội của Wendy’s cho biết họ đã không hề trả tiền cho Twitch hay Fortnite bởi vì việc chạy theo các quảng cáo mệt mỏi hơn nhiều so với việc tiếp cận tự nhiên. Bennet cho biết, “chúng tôi không phải làm quá nhiều và bỏ ra nhiều tiền để hỗ trợ vì chúng tôi có thể tạo ra trải nghiệm một cách tự nhiên.” Đây chính là kiểu mindset mà các CMO và các thương hiệu cần có khi tham gia metaverse.
Một ví dụ tuyệt vời khác về cách metaverse bắt đầu xuất hiện trong ngành giải trí gần đây là buổi hòa nhạc ảo Bigger Love của John Legend đã sử dụng công nghệ của Wave XR để phát sóng John Legend ảo, mục đích để gây quỹ từ thiện và đã được 500.000 người tham gia xem trực tiếp.
MỘT CƠ HỘI LỚN
Sự cải tiến rõ ràng này của internet đang được thực hiện, và sẽ có những tác động cực lớn đối với xã hội. Các chuyên gia marketing, branding và truyền thông sẽ đối mặt với những những thách thức mới, đồng thời cũng là những cơ hội mới. Kỷ nguyên mới của metaverse sẽ khai phóng sức sáng tạo tuyệt vời và mở ra những cảnh cửa mới, những chân trời mới cho các doanh nghiệp và thương hiệu. Câu hỏi bây giờ là, bạn sẽ sẵn sàng đón nhận như thế nào?